Chat hỗ trợ
Chat ngay

Giới thiệu chi tiết thành phố Cao Hùng – Đài Loan

Thành phố Cao Hùng là một thành phố nằm tại miền Nam Đài Loan. Đây là thành phố lớn thứ 2 tại Đài Loan với số dân 1,51 triệu người và là một trong hai thành phố trực thuộc trung ương của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Thành phố Cao Hùng – Đài Loan có 11 quận, mỗi quận có một văn phòng quản lý công việc hàng ngày giữa chính quyền thành phố và công dân của mình. Cùng vieclamdailoan tìm hiểu chi tiết về thành phố Cao Hùng trong bài viết này nhé.

Giới thiệu về thành phố Cao Hùng - Đài Loan
Giới thiệu về thành phố Cao Hùng – Đài Loan

I. Tổng quan về thành phố cảng Cao Hùng

Thành phố Cao Hùng (chữ Hoa phồn thể:高雄市, bính âm thông dụng: Gaosyóng, bính âm Hán ngữ: Gāoxióng, POJ: Ko-hiông; tọa độ 22°38’N, 120°16’E) là một thành phố nằm tại miền Nam Đài Loan. Đây là thành phố lớn thứ 2 tại Đài Loan với số dân 1,51 triệu người, và là một trong sáu thành phố trực thuộc Trung ương của Đài Loan. Thành phố có 11 quận, mỗi quận có một văn phòng quận quản lý công việc hàng ngày giữa chính quyền thành phố và công dân của mình.

Cao Hùng được thành lập vào gần cuối thế kỷ 17, ngôi làng khi đó được gọi là Đả Cẩu bởi những người nhập cư Phúc Kiến vào thời kỳ đầu. Tên gọi này bắt nguồn từ ngôn ngữ Makatao của thổ dân bản địa và có nghĩa là “rừng tre”. Người Hà Lan đã xây dựng nên phào đài Zeelandia vào năm 1624 và đánh bại các bộ lạc thổ dân bản địa vào năm 1635. Họ gọi khu vực này là Tancoia. Trịnh Thành Công đã trục xuất người Hà Lan và lập nên một chính quyền phục Minh vào năm 1662. Trịnh Kinh, con trai của Trịnh Thành Công, đã đổi tên làng thành Vạn Niên Châu . Tên gọi Đả Cẩu lại được phục hồi vào cuối thập niên 1670, khi khu vực được mở mang một cách đột ngột với những người nhập cư đến từ Trung Quốc đại lục. Năm 1684, nhà Thanh đã sáp nhập Đài Loan và đổi tên khu vực bao gồm Cao Hùng ngày nay thành huyện Phượng Sơn. là một phần của phủ Đài Loan. Khu vực Cao Hùng ngày nay đã lần đầu tiên được phát triển như một khu vực cảng vào thập niên 1680. Năm 1895, Đài Loan bị nhượng cho Nhật Bản theo các điều khoản của Hiệp ước Shimonoseki. Vào thời kỳ này, tên gọi của thành phố chuyển từ Đả Cẩu thành Cao Hùng.

Người Nhật phát triển Cao Hùng , đặc biệt là cảng. Do là một căn cứ quân sự và trung tâm công nghiệp quan trọng, thành phố đã bị quân đội Hoa Kỳ ném bom rất nhiều trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau khi Trung Hoa Dân Quốc kiểm soát Đài Loan vào năm 1945, tên gọi bằng Hán tự mà người Nhật đặt cho thành phố vẫn được sử dụng, chính quyền sử dụng phiên âm Latinh theo hệ Wade-Giles là “Kaohsiung”. Cao Hùng được Hành chính viện phê chuẩn trở thành một thành phố đặc biệt vào ngày 1 tháng 7 năm 1979.

Nguồn: wikipedia

Cao Hùng là thành phố cảng lớn nhất của đất nước Đài Loan và cũng là một trong 10 cảng lớn nhất thế giới (đứng thứ 4). Không đông đúc, nhộn nhịp như Đài Bắc, không yên bình, thanh tĩnh như Hoa Liên, Cao Hùng mang nét đẹp hài hòa giữa 2 vùng đất này. Thời tiết mát mẻ, dễ chịu hơn, đường phố rộng rãi, thoáng đãng hơn và cũng ít người hơn. Và có lẽ vì là đất cảng, nên con người ở đây rất hào sảng, chân chất và thân thiện.

1. Vị trí địa lý

Thành phố Cao Hùng  là một thành phố nằm tại miền Nam Đài Loan. Đây là thành phố lớn thứ 2 tại Đài Loan với số dân 1,51 triệu người, và là một trong hai thành phố trực thuộc trung ương của Trung Hoa Dân Quốc. Thành phố Cao Hùng Đài Loan có 11 quận, mỗi quận có một văn phòng quận quản lý công việc hàng ngày giữa chính quyền thành phố và công dân của mình.

bản đồ thành phố Cao Hùng

Cao Hùng hiện có 38 khu. Mỗi khu lại được chia thành các lý, và được chia tiếp thành các lân. Chính phủ Trung ương Đài Loan công nhận hệ thống bính âm Hán ngữ làm chuẩn để phiên âm Latinh tương tự như tại Trung Quốc đại lục, còn chính quyền Cao Hùng, vốn do đảng Dân Tiến nắm quyền, lấy phương pháp bính âm thông dụng làm chuẩn phiên âm.

  • Diêm Trình: Khu vực quận vốn là vùng đầm lầy nhưng đã được cải tạo và phát triển cùng với sự nhộn nhịp của cảng Cao Hùng. Quận hiện không còn là khu vực sầm uất nhất của thành phố do xu hướng dịch chuyển về phía đông nhưng nền kinh tế hiện cũng có nhiều khởi sắc. Diêm Trình có diện tích 1,4161 km² và là quận có diện tích nhỏ nhất tại thành phố. Dân số Diêm Trình vào tháng 8 năm 2011 là 26.986 người thuộc 11.139 hộ gia đình, mật độ cư trú là 19056,6 người/km².
  • Cổ Sơn: Quận nằm ở khu vực trung tâm thành phố và ở phía bắc của cảng Cao Hùng. Cổ Sơn có địa hình khá bằng phằng với diện tích là 14,7458 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 132.393 người thuộc 52.905 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 8978,4 người/km².
  • Tả Doanh: Quận nằm ở phía bắc của khu vực đô thị của thành phố và là nơi đặt trụ sở của một số đơn vị hải quân quan trọng của Đài Loan. Tả Doanh có diện tích 19,3888 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 192.973 người thuộc 74.635 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 9952,8 người/km².
  • Nam Tử: Quận nằm ở phía bắc của khu vực trung tâm thành phố và có khu công nghệp Nam Tử cùng một số trường đại học trên địa bàn như Đại học Quốc lập Cao Hùng. Quận có diện tích 25,8276 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 173.477 người thuộc 62.414 hộ gia đình, mật độ dân cư đạt 6716,7 người/km².
  • Tam Dân: Quận nằm ở khu vực trung tâm thành phố và có diện tích 19,7866 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 352.395 người thuộc 132.449 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 17809,8 người/km².
  • Tân Hưng: Đây là quận trung tâm của Cao Hùng và là nơi tọa lạc trụ sở của nhiều tổ chức kinh tế, tài chính cũng như các trung tâm thương mại lớn. Tân Hưng có diện tích 1,9764 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 54.663 người thuộc 22.851 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 27657,9 người/km².
  • Tiền Kim: Quận nằm trong khu vực trung tâm thành phố và là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan chính quyền và các cơ sở giáo dục. Tiền Kim có diện tích 1,8573 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 28.480 người thuộc 12.547 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 15334,1 người/km²
  • Linh Nhã: Đây là quận trung tâm về mặt địa lý của khu vực đô thị của Cao Hùng, tòa thị chính Cao Hùng nằm tại quận này. Linh Nhã có diện tích 8,1522 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 182.195 người thuộc 71.962 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 22349,2 người/km².
  • Tiền Trấn: Quận có địa hình bằng phẳng và nằm ngay ở phía tây của cảng Cao Hùng. Trên địa bàn quận có nhiều cơ sở thương mại dịch vụ cùng với khu chế xuất Cao Hùng. Tiền Trấn có diện tích 19,1207 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 197.991 người thuộc 76.815 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 10354,8 người/km².
  • Kỳ Tân: Địa bàn của quận là toàn bộ hòn đảo Kỳ Tân ở phía đông của cảng Cao Hùng. Dân cư của quận Kỳ Tân hầu hết đều phụ thuộc vào ngành công nghiệp hàng hải. Hòn đảo Kỳ Tân từng được kết nối với đất liền ở phần cực nam, tuy nhiên nó đã bị đào để mở một lối ra vào thứ hai cho cảng Cao Hùng. Kỳ Tân có diện tích 1,4639 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 29.768 người thuộc 10.986 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 20334,7 người/km². Về mặt hành chính, Kỳ Tân quản lý cả quần đảo Đông Sa và đảo Ba Bình tại Quần đảo Trường Sa.
  • Tiểu Cảng: Quận nằm ở phía nam khu vực đô thị của thành phố và là nơi tọa lạc sân bay quốc tế Cao Hùng. Tiểu Cảng có diện tích 39,8573 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 154.472 người thuộc 63.930 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 3875,6 người/km².
  • Phượng Sơn: Quận nằm ở khu vực trung tâm thành phố và là nơi đặt trụ sở của Học viện sĩ quan lục quân Trung Hoa Dân Quốc. Phượng Sơn có diện tích 26,7590 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 344.269 người thuộc 128.836 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 12865,5 người/km².
  • Lâm Viên: Đây là một quận ven biển và nằm ở cực nam của Cao Hùng, tiếp giáp với huyện Bình Đông. Lâm Viên có một nhà máy lọc dầu lớn nhất khu vực phía nam Đài Loan và dược xây dựng từ thập niên 1970. Diện tích của Lâm Viên là 32,2860 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 70.292 người thuộc 24.342 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 2177,2 người/km².
  • Đại Liêu: Đây là một quận nông thôn và kinh tế chưa phát triển cao. Diện tích của Đại Liêu là 71,0400 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 109.108 người thuộc 38.766 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 1535,9 người/km².
  • Đại Thụ: Đây là một quận nông thôn và tiếp giáp với huyện Bình Đông, tỉnh Đài Loan ở phía đông. Diện tích của Đại Thụ là 66,9811 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 43.701 người thuộc 13.113 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 652,4 người/km².
  • Đại Xã: Cư dân trong quận có một tỷ lệ cao là dân gốc Triều Châu. Đại Xã có diện tích 26,5848 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 33.202 người thuộc 11.869 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 1248,9 người/km².
  • Nhân Vũ: Nhân Vũ có địa hình bằng phẳng ở phía tây, trong khi phía đông có nhiều đồi núi. Diện tích của quận là 36,0808 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 74.123 người thuộc 26.802 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 2054,4 người/km².
  • Điểu Tùng: Đây là một quận nông thôn và được biết tới với thắng cảnh hồ Trừng Thanh. Diện tích của quận là 24,5927 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 43.092 người thuộc 16.828 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 1752,2 người/km².
  • Cương Sơn: Vào năm 1920, dưới thời Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản, khu vực này đã được đổi tên thành Cương Sơn và trở thành một địa điểm phục vụ cho không quân Nhật Bản. Quận có diện tích 47,9421 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 97.216 người thuộc 33.500 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 2027,8 người/km².
  • Kiều Đầu: Quận nằm ven suối Điển Bảo và có địa hình khá bằng phẳng. Diện tích của quận là 25,9379 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 36.805 người thuộc 12.867 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 1419 người/km².
  • Yên Sào: Quận có địa hình bằng phẳng và chủ yếu phát triển nông nghiệp. Yên Sào có diện tích 65,3950 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 30.901 người thuộc 10.125 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 472,5 người/km².
  • Điền Liêu: Dây là một quận nông thôn và có nhiều đồi núi trên địa bàn. Diện tích của Điền Liêu là 92,6802 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 8.082 người thuộc 3.524 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 87,2 người/km²
  • A Liên: Ngoài núi Đại Cương ở phía đông, địa hình của quận nói chung là bằng phẳng. Diện tích của A Liên là 34,6164 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 30.235 người thuộc 9.207 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 873,4 người/km².
  • Lộ Trúc: Quận nằm trên đồng bằng Gia Nam và có độ hình cao dần từ tây sang đông. Diện tích của Lộ Trúc là 48,4348 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 53.572 người thuộc 16.173 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 1106,1 người/km².
  • Hồ Nội: Đây là một quận nông thôn và có quan hệ gần gũi hơn với Đài Nam do khoảng cách từ quận đến khu vực đô thị của Đài Nam gần hơn là tới trung tâm đô thị của Cao Hùng. Diện tích của Hồ Nội là 20,1615 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 28.769 người thuộc 9.680 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 1426,9 người/km².
  • Gia Định: Đây là huyện ven biển cực bắc của Cao Hùng và chỉ cách khu vực đô thị của Đài Nam qua con sông Nhị Nhân. Do vị trí gần gũi, cư dân trong quận có các quan hệ phi hành chính gần gũi hơn với khu vực trung tâm đô thị của Đài Nam hơn là Cao Hùng. Gia Định có diện tích 15,7624 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 31.090 người thuộc 10.173 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 1972,4 người/km².
  • Vĩnh An: Trên địa bàn quận có nhà máy điện Hưng Đạt, một trong những nguồn cung cấp điện năng quan trọng của miền nam Đài Loan. Vĩnh An có diện tích 22,6141 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 14.159 người thuộc 5.829 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 626,1 người/km².
  • Di Đà: Di Đà được thành lập từ năm 1920 và hiện có diện tích 14,7772 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 đạt 20.297 người thuộc 6.666 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 1373,5 người/km².
  • Tử Quan: Quận có địa hình bằng phằng và phát triển về nông nghiệp và thủy sản, nhất là sản phẩm rau xanh. Tử Quan có diện tích 11,5967 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 36.604 người thuộc 12.128 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 3156,4 người/km².
  • Kỳ Sơn: Đây là một quận nông thôn có địa hình đồi núi, các nông sản có tiếng là chuối và đu đủ. Kỳ Sơn có diện tích 94,6122 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 39.637 người thuộc 13.866 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 418,9 người/km².
  • Mỹ Nùng: Khu vực quận đã trồng cây thuốc lá từ năm 1630 và nổi tiếng khắp Đài Loan với sản phẩm ô có các họa tiết sơn dầu. Mỹ Nùng nằm trên lưu vực của con sông cùng tên và có diện tích 120,0316 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 42.759 người thuộc 14.299 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 356,2 người/km²
  • Lựu Khưu: Lưu Khưu là một quận nông thôn miền núi và thuộc lưu vực của sông Lục Khưu. Diện tích của quận là 194,1584 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 14.546 người thuộc 5.785 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 74,9 người/km²
  • Giáp Tiên: Đây là một quận nông thôn miền núi với nông sản có tiếng là khoai sọ và măng tre. Diện tích của quận là 124,0340 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 7.066 người thuộc 2.505 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 57 người/km².
  • Sam Lâm: Đây là một quận nông thôn miền núi và tập trung nhiều người Khách Gia sinh sống. Diện tích của quận là 104,0036 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 11.919 người thuộc 4.458 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 114,6 người/km².
  • Nội Môn: Đây là một quận miền núi và cư dân chủ yếu sinh sống nhờ vào nông nghiệp. Nội Môn có diện tích 95,6224 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 15.705 người thuộc 5.046 hộ gia đình. Mật độ cư trú đạt 164,2 người/km².
  • Mậu Lâm: Đây là một quận miền núi và là nơi cư trú của thổ dân Đài Loan. Diện tích của quận là 194 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 chỉ là 1.838 người thuộc 576 hộ, mật độ cư trú đạt 9,5 người/km².
  • Đào Nguyên: Đây là quận có diện tích lớn nhất thành phố và bao gồm công viên quốc gia Ngọc Sơn cũng như khu phong cảnh quốc gia Mậu Lâm. Dân cư trong quận chủ yếu là thổ dân Đài Loan. Diện tích của quận là 928,98 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 4.739 người thuộc 1.361 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 5,1 người/km².
  • Na Mã Hạ: trước đây gọi là hương Tam Dân. Quận nằm trên dãy núi Ngọc Sơn và dân cư chủ yếu là thổ dân Đài Loan. Na Mã Hạ có diện tích 252,9895 km², dân số vào tháng 8 năm 2011 là 3.319 người thuộc 883 hộ gia đình, mật độ cư trú đạt 13,1 người/km².

2. Khí hậu

Cao Hùng mang khí hậu nhiệt đới, mùa hè thời tiết nóng, ẩm, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, mùa đông kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12. Mùa đông thời tiết khá ôn hòa và ngắn, mùa mưa thường dài, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10.

Vào mùa hè nhiệt độ trung bình khoảng 27-33 độ C. Đến mùa thu, thời tiết mát mẻ, nắng nhẹ. Đây là mùa gió Đông Nam hoạt động gây mưa kèm theo dông nhẹ. Còn vào mùa đông, thời tiết Cao Hùng rét với nhiệt độ trung bình khoảng 10-15 độ C. Lúc này, khí hậy ở đây chịu sự ảnh hưởng của gió Đông Bắc từ lục địa Trung Quốc di chuyển sang và kèm theo mưa phùn rải rác. Hết đông sang xuân, thời tiết Cao Hùng trở nên ấm áp hơn và không còn cảm giác khô lạnh nữa.

3. Kinh tế

Cao Hùng là trung tâm chế tạo, lọc dầu và vận tải lớn của Đài Loan. Không giống như Đài Bắc, các đường phố của Cao Hùng rộng rãi và giao thông thông suốt hơn. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí của các khu vực xung quanh Cao Hùng thì khá tệ do các ngành công nghiệp nặng gây ra. Cảng Cao Hùng là cảng chính của Đài Loan mà phần lớn dầu mỏ của Đài Loan được nhập khẩu.

Cao Hùng có một khu chế xuất sản xuất nhôm, gỗ, và giấy, phân đạm, xi-măng, kim loại, máy móc và tàu biển. Cảng Cao Hùng là một trong 4 cảng lớn nhất thế giới và Cao Hùng là trung tâm ngành công nghiệp đóng tàu của Đài Loan và cũng là căn cứ hải quân lớn của Trung Hoa Dân Quốc.

4. Giao thông vận tải

Giao thông công cộng ở Cao Hùng gồm xe buyt, tàu điện ngầm, máy bay, taxi. Từ Cao Hùng đi đến các thành phố/ tỉnh khác thì có thêm Tàu hoả và tàu cao tốc (HSR). Đối với đi du lịch trong thành phố chọn phương tiện xe bus hoặc tàu điện ngầm là hợp lý nhất, xe bus rất đúng giờ và rẻ, tuy nhiên tìm hiểu về tuyến xe sẽ khá phức tạp cho ai ko biết tiếng Trung nên bọn mình khuyên nên đi tàu điện ngầm (hoặc taxi).

  • Tàu điện ngầm (MRT)

Tàu Điện ngầm MRT tại Cao Hùng có hai loại. Tuyến Red chạy từ bắc xuống nam, Một tuyến đường tàu điện ngầm rất tiện lợi từ ga THSR Zuoying và sân bay vào trung tâm thành phố, trong khi Orange Line chạy qua thành phố từ Cảng Cao Hùng ở phía tây đến ngoại ô phía đông của quận Daliao. Tuyến Metro rất sạch sẽ và cung cấp cho bạn một tuyến đường thuận tiện để di chuyển nhanh trong thành phố. Tàu điện ngầm đóng cửa vào khoảng 23 giờ 30 cho đường màu cam và đến cuối giờ 00:30 đối với đường màu đỏ.

Các trạm MRT đều kết nối với các tuyến xe buýt của thành phố để chuyển tiếp. Nhưng lưu ý rằng khi có nhiều lối ra từ một ga duy nhất, thông thường chỉ có một trong số đó được trang bị thang máy. Bạn có thể mua vé một chuyến đi hoặc sử dụng thẻ IC có thể sạc lại được.

  • Taxi

Taxi luôn là phương tiện di chuyển thuận tiện cho du khách, dù giá hơi cao hơn so với các phương tiện khác. Ở hầu hết các thành phố của Đài Loan đều có taxi. Ở Cao Hùng thì giá taxi là 80 NT$. Thường đi vào buổi tối thì sẽ tính thêm 20 NT$. Nếu đi đường dài, từ thành phố này qua thành phố khác thì tài xế sẽ không bật đồng hồ. Mà thương lượng giá trực tiếp, nên hãy hỏi giá trước khi đi.

  • Xe buýt

Xe buyt là cách đi phổ biến nhất của các bạn Đài Loan nói chung và Cao Hùng nói riêng. Đi bằng xe buyt nhanh hơn tàu một chút. Vé thì các bạn cứ đến mua trực tiếp tại quầy hoặc mua tại Ibon seven. Các hãng xe lớn các bạn có thể tin tưởng và đi là Ubus, Kingbus hay Aloha và Hohsin.

Hầu hết các công ty xe buýt chính đều có văn phòng của họ tại gần ga tàu. Vé đến Cao Hùng từ Đài Bắc có giá khoảng NT $ 600 (tính đến tháng 7 năm 2017). Có thể mua tại các cửa hàng tiện lợi như 7-eleven với mức phí NT $ 10. Bạn có thể đi xe buýt từ sân bay ở Đài Bắc, ngay cả trong đêm. Xe buýt đầu tiên sẽ thả bạn trước một một điểm dừng. Chờ ở đó trong 30 phút và sau đó xe buýt chính sẽ đến. Chuyến đi đến Cao Hùng mất khoảng 4 đến 5 giờ..

  • Máy bay

Sân bay quốc tế Cao Hùng – Kaohsiung International Airport (KHH) là 1 trong 3 sân bay quốc tế của Đài Loan. Nơi đây phục vụ hơn 6 triệu hành khách mỗi năm. Nó có một đường băng và hai nhà ga: một quốc tế và một trong nước. Sân bay này được sở hữu và vận hành bởi Cục Hàng không Dân dụng. Ban đầu nó được xây dựng như một căn cứ Không quân của Quân đội Hoàng gia Nhật Bản vào năm 1942. Do nhu cầu vận chuyển dân sự ở miền nam Đài Loan, nó đã được phi quân sự hóa và chuyển đổi thành một sân bay dân dụng nội địa vào năm 1965. Sau đó nó tiếp tục được nâng cấp thành một sân bay quốc tế vào năm 1969 với các chuyến bay quốc tế thường xuyên bắt đầu từ năm 1972.

sân bay quốc tế Cao Hùng

II. Các trường đại học nổi tiếng ở thành phố cảng Cao Hùng

1. Đại học quốc lập Trung Sơn

Trường Đại học quốc lập Trung Sơn được thành lập vào năm 1980, được đặt theo tên cùa Chủ tịch Sun Yat-sen, cha đẻ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Khuôn viên trường NSYSU tọa lạc trên 69 hecta diện tích đối diện với vịnh Hsitzu, một trong những vùng thắng cảnh đẹp nhất của Đài Loan.

Đại học quốc lập Trung Sơn

Với những nỗ lực cống hiến của đội ngũ giảng viên, nhân viên và học sinh, trường NSYSU đã nhanh chóng phát triển trở thành một trong những trường Đại học hàng đầu của Đài Loan. Trường bao gồm 6 khoa, với 18 chương trình đào tạo hệ Cử nhân, 35 chương trình đào tạo hệ Thạc sĩ và 25 chương trình đào tạo hệ Tiến sĩ. Có khoảng 10.000 sinh viên nhập học và đội ngũ nhân viên gồm khoảng 450 người

2. Đại học Y Cao Hùng

Đại học Y Cao Hùng được chính thức thành lập vào năm 1954. Ngoài việc là Trường Đại học Y tư thục đầu tiên, Trường còn trở thành một cái nôi quan trọng đối với các bác sĩ tay nghề cao và các chuyên gia y khoa.

Học viện Y Cao Hùng nhận được sự cho phép của Bộ giáo dục chính thức đổi tên thành Đại học Y Cao Hùng vào 8/1999. Kể từ đó, Trường bao gồm 6 học viện: học viện Y, học viện Nha khoa, học viện Dược, học viện Điều dưỡng, học viện Khoa học y tế và học viện Khoa học đời sống.

Đại học Y Cao Hùng

Mục tiêu giáo dục của trường: Đại học Y Cao Hùng đảm nhiệm trách nhiệm đào tạo các sinh viên y khoa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực và trở nên cần thiết cho ngành y tế trên toàn Thế giới bằng cách hoàn thành lý tưởng của Hiệu trưởng Hsin-Su Yu “Giảng dạy xuất sắc, Nghiên cứu đổi mới, Chăm lo xã hội và Chủ nghĩa nhân văn cao”.

3. Đại học quốc gia Cao Hùng

Đại học quốc gia Cao Hùng được thành lập tháng 2 năm 2000 bởi chính phủ Đài Loan, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách trong giáo dục giữa miền nam và miền bắc Đài Loan, thúc đẩy sự phát triển vượt trội nền kinh tế của khu vực phía Nam.

Trường có tuổi đời khá non trẻ, nhưng đã đạt được những thành tựu đáng nể, xếp thứ hạng cao trên những bảng phân loại quốc gia và thế giới. Trường có 25 khoa và 7 viện nghiên cứu sinh. Năm 2006, số thí sinh dự thi vào viện nghiên cứu sinh tăng 9% so với năm 2005. Khoa Kinh Tế Học Ứng Dụng của trường được đánh giá cao trên các bảng xếp hạng học thuật thế giới.

trường Đại học quốc gia Cao Hùng

Trường được chính phủ tích cực đầu tư, rót vốn và đang dần hoàn thiện từng phần, với mục tiêu ban đầu trở thành học viện nghiên cứu xuất sắc, dẫn đầu khu vực phiá Nam. Với đội ngũ nhân viên nghiên cứu và giảng dạy trẻ, cơ chế tư vấn sinh viên chất lượng cao và đội ngũ hành chính hiệu quả, khiến tất cả giáo viên và học sinh dạy và học trong một môi trường đa dạng, công nghệ cao và thoải mái.

4. Đại học Sư phạm quốc gia Cao Hùng

Đại học Sư phạm Quốc gia Cao Hùng là một trong những trường đại học hàng đầu tại Đài Loan. Được thành lập vào năm 1946, từ thời thống trị của thực dân Nhật, trải qua hơn nửa thế kỉ hoạt động, Đại học Sư phạm Quốc gia Cao Hùng đã không ngừng phát triển và đến nay đã đạt mức độ quốc tế hóa rất cao.

Đại học Sư phạm Quốc gia Cao Hùng

Trường có quan hệ hợp tác mật thiết với hơn 30 trường đại học danh tiếng tại Mỹ, Anh, Hà Lan,… cũng như các quốc gia trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… Những sự hợp tác này có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra môi trường quốc tế đa văn hóa, giúp sinh viên của trường có cái nhìn đa chiều về thế giới hiện đại và định hình năng lực thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của toàn cầu hóa.

III. Những địa điểm đẹp khó có thể bỏ qua tại Cao Hùng

Cao Hùng nổi tiếng với những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những công trình kiến trúc ấn tượng. Dưới đây là 5 điểm du lịch không thể bỏ lỡ khi đến Cao Hùng để có được một hành trình khám phá ý nghĩa và đầy thú vị

1. Tòa nhà Tuntex Sky 85 tầng

Tòa nhà Tuntex 85 tầng là biểu tượng kinh tế của Cao Hùng và cũng là điểm tham quan hấp dẫn dành cho du khách. Từ nhà ga tàu điện ngầm R9, bạn có thể bắt taxi qua tòa nhà 85 tầng gần ngay đó. Tại tầng 85 của tòa nhà, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh khu đô thị nhộn nhịp và vẻ đẹp của thành phốCao Hùng. Vé lên tầng 85 chỉ khoảng 150 NT, đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua..

tòa tháp Tuntex Sky - Cao Hùng
Tòa nhà Tuntex Sky 85 tầng – biểu tượng của Cao Hùng

Tọa lạc tại trung tâm thành phố huyện Ling Ya tháp Tuntex Sky là một không gian rộng lớn với văn phòng, trung tâm mua sắm, nhà hàng và khách sạn. Tòa nhà 85 tầng này được xếp cao thứ 2 ở Đài Loan và cao thứ 13 trên thế giới.

Tòa nhà thuộc sở hữu của tập đoàn Tuntex và đây cũng là trụ sở chính của tập đoàn. Bên cạnh đó tòa nhà còn là nơi tập trung khu dân cư, cửa hàng bách hóa, hệ thống khách sạn từ tầng 37 đến tầng 70. Trong tòa nhà có thang máy tốc độ cao 10/ giây sẽ đưa bạn tham quan các tầng trong tòa nàh một cách nhanh nhất có thể.

2. Phật Quang Sơn

Do đạo Phật phát triển rất mạnh nên ở Đài Loan có rất nhều chùa chiền. Và Phật Quang Sơn là một trong những nơi thờ tượng Phật đẹp nhất nước. Khu thờ tự này trải dài trên một ngọn đồi ở ngoại ô thành phố Cao Hùng. Trên đỉnh đồi có tượng Phật vàng cao đên 36m, là tượng Phật cao nhất Đài Loan. Chùa còn nổi tiếng với 100 vạn bản Tâm Kinh được ghi chép bằng tay.

tượng phật Quang Sơn
Phật Quang Sơn – Ngôi chùa nổi tiếng ở Đài Loan

Trong khu núi Phật Quang còn có một vài lễ đường rộng mênh mông, phòng triển lãm nghệ thuật, thư viện và các thiền sảnh cực lớn. Khi đến thăm núi Phật Quang, du khách không chỉ ngắm cảnh sắc đẹp mắt mà còn là địa điểm tâm linh thu hút khách du lịch ghé thăm nhiều nhất tại Đài Loan.

3. Chợ đêm Xin Jue Jiang

Chợ đêm Xin Jue Jiang là một trong những khu chợ đêm sầm uất nhất ở Đài Loan nổi tiếng với hồ nhân tạo chiếu đèn lung linh như bầu trời đầy sao. Tại đây có rất nhiều món ăn ngon, quần áo, mỹ phẩm Hàn, Đài Loan, Nhật… Hầu hết các tiểu thương tại đây đều không nói thách, vì vậy rất khó để trả giá. Đặc biệt, ở đây có món lẩu sả, món ăn nhất định không thể bỏ qua.

Chợ đêm Xin Jue Jiang

Chợ đêm Xin Jue Jiang bán rất nhiều món ăn ngon (đặc biệt là thịt bò) và quần áo đẹp. Hầu hết quần áo nơi đây được vận chuyển từ Đài Bắc và có giá cao hơn một chút so với Đài Bắc (Taipei). Nếu bạn thích mua sắm và có tâm hồn ăn uống thì nơi đây quả là nơi lý tưởng.

4. Trung tâm nghệ thuật Pier-2

Nằm trong khuôn viên mang nét hoài cổ của một nhà kho bỏ hoang, Trung tâm Nghệ thuật Cầu tàu 2 đã hồi sinh như một khung cảnh nghệ thuật đương đại phát triển mạnh. Hãy ghé thăm trung tâm của sự sáng tạo và trí tưởng tượng này, nơi nghệ thuật graffiti hòa quyện cùng các tác phẩm bằng sắt thép, điêu khắc và hội họa hiện đại. Khu vực này có một số nhà kho, mỗi nơi lại có một phong cách đặc trưng và chủ đề riêng biệt.

Trung tâm nghệ thuật Pier-2

Trải nghiệm bầu không khí kỳ lạ, đôi khi là trống trải ở công viên nhà kho bỏ hoang này. Cảm nhận cái mặn mòi của biển trong cơn gió thoảng qua. Hãy tham dự một trong những sự kiện nghệ thuật như Triển lãm Thư pháp Trung Quốc hoặc Lễ hội Thiết kế Cao Hùng, được tổ chức quanh năm.

5. Đảo biển Cijin và cối xây gió

Đảo Cijin hay Kỳ Tân theo âm Hán Việt là một hòn đảo dài và hẹp nằm phía Tây thành phố. Một ngư dân đã tìm ra hòn đảo từ thế kỷ 17 nên đây là một trong những khu vực cổ xưa nhất Cao Hùng.

đảo Kỳ Tân

Các bạn có thể đi phà khoảng 10 phút để đến hòn đảo Cijin. Bãi biển Cijin xinh đẹp, ngọn Hải đăng Cihou và Pháo đài Fort ở Cijin cùng với những món hải sản tươi ngon, những tác phẩm nghệ thuật về Phật giáo và những cảnh đẹp của Trung Quốc… đã thu hút biết bao du khách nội địa và thế giới đến đây vào cuối tuần, các dịp lễ.

Nếu bạn có dịp mua vé máy bay đi Đài Loan hoặc đến Cao Hùng chắc hẳn bạn sẽ thật sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp tuyệt vời và  ngoạn mục của nó: Ngọn hải đăng và pháo đài cũ được bao bọc bởi bờ biển và vách đá xung quanh… vừa mang nét hoang dã hùng vĩ vừa mang nét lãng mạn cổ xưa. Ngoài ra, nếu bạn yêu thích thả diều, bạn có thể đến trang trại cối xay gió chỉ mất 5 phút đi xe máy.

IV. Một vài món ăn nổi tiếng tại Cao Hùng

Ẩm thức thành phố cảng Cao Hùng nổi tiếng với những món ăn mang đậm tinh hoa văn hóa xứ Đài. Các khu chợ đêm khu chợ đêm RuiFeng, Xin Jue Jiang,… có những quán ăn vỉa hè, là nơi thưởng thức những món ăn vặt vặt tuyệt vời không thể bỏ qua. Ngoài những món ăn đường phố, bạn còn có thể thưởng thức những món đặc sản thành phố, sang trọng với giá khá dẻ.

1. Mỳ bò

Món ăn hấp dẫn này có nguồn gốc từ cộng đồng người hồi ở khu vực Ninh Hạ mang đến Đài Loan, thưởng thức tô mì với những sợi mì to vàng óng, nước dùng được nấu từ xương bò và gân bò cho vị ngọt tự nhiên, được thêm vào cà chua, tỏi, các vị thuốc bắc làm át đi mùi hôi của bò, tạo cho món ăn thêm hấp dẫn, những miếng thịt bò được cắt dày và vuông vức, món ăn này được dùng kèm với rau cải thìa luộc và hành lá cắt nhỏ.

mỳ bò Cao Hùng

Cũng vì thơm ngon có tiếng nên hầu hết các tiệm mì đều tấp nập người ra vào, nhất là những ngày cuối tuần.

2. Trà sữa

Nhắc đến Đài Loan thì không thể không nhắc đến trà sữa – thức uống trứ danh được giới trẻ vô cùng yêu thích tại đất nước này

Trà sữa Đài Loan đa dạng về chủng loại với hơn 7 loại trà khác nhau như trà đen, hồng trà, lục trà, trà ô lông với cách chế biến khác nhau cùng các món kèm theo như trân châu, đậu đỏ….. làm cho những ly trà sữa Đài Loan trở nên hấp dẫn hơn với mọi người.

3. Đậu phụ thối

Món ăn này rất phổ biến tại Đài Loan được bày bán trên các vỉa hè, đậu hũ thối được chiên giòn và xiên vào các que tre, khi ăn được rưới lên một loại nước sốt chua ngọt, đậu hũ có vỏ ngoài giòn rụm còn bên trong thì mềm và béo ngậy.

4. Bánh dứa

Là 1 trong những món đặc sản vô cùng hấp dẫn khác tại Cao Hùng chính là bánh nhân dứa thơm và lòng đỏ trứng. Đây là 1 loại bánh đúng phong cách Đài Loan với vị béo của sữa, thơm ngọt của thơm và bùi bùi của lòng đỏ trứng. Bạn có thể mua những vỉ bánh nhỏ để làm quà rất ý nghĩa, cắn ngập răng và ăn hoài không biết chán.

5. Lẩu sả

Lẩu sả là đặc sản Cao Hùng. Nghe đến sả thì chắc bạn cũng tưởng tượng ra mùi vị món này có vẻ khá gắt rồi đúng không? Đúng vậy luôn, bước chân vào quán lẩu là mùi hương của sả toát lên ngay. Hít một hơi cũng thư giãn đầu óc. Nước dùng của lẩu được chế biến hoàn toàn từ sả tươi nên có mùi vị rất đặc biệt, ăn kèm với bún hoặc mì, rau và hải sản, phổ biến nhất là cá và nấm.

Vì đây là món ăn đặc sản nên bạn dễ dàng tìm được món này ở menu tất cả các quán lẩu. Lẩu sả còn là bài thuốc quý, giúp ấm bụng dễ tiêu, sẽ ngon hơn rất nhiều nếu húp một chén lẩu nóng vào những ngày mùa đông.

6. Sinh tố đu đủ sữa tươi

Sinh tố không phải là món gì lạ lẫm đối với người Việt mình, sinh tố đu đủ sữa tươi lại được kể như một thức uống đặc sản ở đất Đài, chỉ đứng sau trà sữa (theo mình biết là vậy á). Món này dễ tìm thấy nhất trong các khu chợ đêm.

Còn chần chờ gì nữa hãy ghé thăm Cao Hùng để tận mắt thấy những cảnh đẹp mê mẩn lòng người và thưởng thức những món ăn đậm chất “Cao Hùng” ngay thôi.

Tìm hiểu chi tiết một số khu vực khác của Đài Loan

Đài Bắc Đài Trung Đài Nam
Đào Viên Tân Bắc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.